Khuyến cáo mới về quản lý cân nặng ở người đái tháo đường

SKĐS - Trong hướng dẫn mới năm 2024, Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) cho biết, ngoài BMI các phép đo khác về phân bổ chất béo cần được xem xét khi điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường type 2.

Theo ADA, giảm cân phải là mục tiêu chính đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 2, lặp lại khuyến nghị trước đó. Giảm cân hơn 10% trọng lượng cơ thể có liên quan đến kết quả sức khỏe tốt hơn cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2, bao gồm cả việc thuyên giảm bệnh.

Một phần của hướng dẫn mới, được gọi là Tiêu chuẩn chăm sóc bệnh tiểu đường, bao gồm khuyến nghị cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sử dụng các phép đo khác về phân bổ mỡ trong cơ thể, chẳng hạn như chu vi vòng eo, tỷ lệ vòng eo/hông và/hoặc tỷ lệ vòng eo/chiều cao cùng lúc với BMI (so với hướng dẫn năm 2023, ADA chỉ tập trung vào BMI).

BMI từ lâu đã là thước đo được sử dụng để đánh giá nguy cơ liên quan đến bệnh đái tháo đường type 2. Điều này là do béo phì có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh cũng như khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, nếu chỉ BMI sẽ không đầy đủ để xác định sức khỏe của một người, vì nó không tính đến thành phần cơ thể, chẳng hạn như khối lượng cơ bắp hoặc nơi tích trữ chất béo trên cơ thể, cũng như sắc tộc, tuổi tác và chủng tộc...

TS. Robert Gabbay, Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ cho biết: Tỷ lệ vòng eo/hông, cung cấp cái nhìn đầy đủ hơn về tình trạng béo phì ở mỗi cá nhân và có thể hướng dẫn liệu pháp. Chúng tôi biết rằng chu vi vòng eo hoặc tỷ lệ eo/hông cao là một yếu tố rủi ro bổ sung dẫn đến kết quả tồi tệ hơn.

Các phép đo mới để bổ sung cho BMI ở người bệnh đái tháo đường

ADA khuyến nghị các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên đo chu vi vòng eo, tỷ lệ eo-hông và/hoặc tỷ lệ eo - chiều cao cùng với chỉ số BMI.

- BMI: Là thước đo dựa trên chiều cao và cân nặng, được tính bằng cách chia cân nặng (tính bằng kilôgam) cho bình phương chiều cao tính bằng mét (kg/m2).

Theo TS. Andrew Krafson, phó giáo sư lâm sàng tại Đại học Michigan, chuyên về nội tiết và tiểu đường: BMI rất tiện lợi, nhưng chu vi vòng eo và tỷ lệ vòng eo đến hông cũng sẽ rất hữu ích.

- Chu vi vòng eo: Chu vi vòng eo là số đo vòng eo, giúp đo lượng mỡ quanh bụng. Đây là một phép đo hữu ích vì điểm chu vi cân nặng cao hơn, cho thấy mỡ bụng quá mức, có liên quan đến bệnh đái tháo đường type 2.

CDC cho biết, bạn có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì cao hơn nếu bạn là nam giới có chu vi vòng eo trên 101cm hoặc phụ nữ có chu vi vòng eo lớn hơn 88cm.

- Tỷ lệ eo-hông: Đây là một cách khác để đánh giá tình trạng béo bụng (có thể là dấu hiệu dự báo bệnh đái tháo đường type 2). Số đo này được tính bằng cách đo cả vòng eo và vòng hông, sau đó chia số đo vòng eo cho số đo vòng hông. Tỷ lệ eo/hông lý tưởng đối với phụ nữ phải nhỏ hơn 0,85 và của nam giới phải nhỏ hơn 0,9.

- Tỷ lệ vòng eo trên chiều cao: Tương tự như vậy, tỷ lệ vòng eo trên chiều cao cao hơn có thể là yếu tố dự báo bệnh béo phì và/hoặc bệnh đái tháo đường type 2. Tỷ lệ vòng eo trên chiều cao của một người có thể được tính bằng cách chia chu vi vòng eo cho chiều cao của họ. Theo nghiên cứu được công bố trên Plos One, tỷ lệ vòng eo trên chiều cao lớn hơn 0,53 ở nam và 0,54 ở nữ có liên quan đến béo phì và bệnh tật.

Tuy nhiên theo TS. Andrew Krafson, có một số do dự trong việc sử dụng các phép đo bổ sung ngoài BMI trong môi trường lâm sàng. Ông cho biết các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần được đào tạo về cách thực hiện các phép đo như vậy một cách chính xác và bệnh nhân có thể cảm thấy không thoải mái khi phải vén áo hoặc hạ quần để thực hiện. Đây là những rào cản nhỏ nhưng quan trọng.

Các phương pháp giảm cân được ADA khuyến nghị

Một khuyến nghị quan trọng khác từ ADA: Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 bị thừa cân hoặc béo phì, việc kiểm soát cân nặng và kiểm soát đường huyết phải là mục tiêu chính.

Trong khuyến nghị của mình, ADA chỉ ra rằng giảm 10% trọng lượng cơ thể trở lên có liên quan đến những lợi ích sức khỏe tích cực, bao gồm khả năng thuyên giảm bệnh đái tháo đường type 2, cải thiện kết quả và tỷ lệ tử vong về tim mạch lâu dài.

Khi nói đến các biện pháp can thiệp hoặc công cụ giảm cân, ADA khuyến nghị theo thứ tự sau:

  • Dinh dưỡng, hoạt động thể chất và liệu pháp hành vi
  • Dược lý
  • Các thiết bị y tế
  • Phẫu thuật chuyển hóa

"Thay đổi lối sống là liệu pháp chính bằng dinh dưỡng và tập thể dục hiệu quả. Tuy nhiên, nếu những cách này không hiệu quả, người ta phải xem xét các loại thuốc như semaglutide hoặc tirzepatide. Phẫu thuật chuyển hóa là một lựa chọn khác khi không đạt được mục tiêu về cân nặng", Gabbay cho biết.

- Dinh dưỡng, hoạt động thể chất và trị liệu hành vi: Phần này bao gồm các biện pháp can thiệp như tư vấn sức khỏe thường xuyên, tập trung vào các chiến lược dinh dưỡng, tập thể dục và hành vi nhằm giúp mọi người đốt cháy thêm 500 đến 750 calo mỗi ngày.

- Khuyến nghị về dược lý: ADA cho biết nên giảm thiểu các loại thuốc điều trị bệnh đi kèm liên quan đến tăng cân bất cứ khi nào có thể. Đối với những người thừa cân hoặc béo phì và mắc bệnh đái tháo đường type 2, nên cân nhắc dùng thuốc thúc đẩy giảm cân cùng với việc thay đổi lối sống.

Thuốc được ưu tiên là chất chủ vận thụ thể peptide 1 giống glucagon (GLP-1) như ozempic (semaglutide) hoặc chất chủ vận polypeptide insulinotropic (GIP) phụ thuộc glucose kép và chất chủ vận GLP-1 như mounjaro (tirzepatide).

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% số người thành công trong việc giảm 10% trọng lượng cơ thể và duy trì mức đó trong một năm chỉ bằng cách quản lý lối sống. Khi các loại thuốc giảm cân và tiểu đường này phát triển, chúng hiệu quả hơn rất nhiều và thực sự thì việc giảm cân như vậy trở nên dễ dàng hơn, TS. John Buse nhà nội tiết học và giáo sư tại Đại học North chia sẻ.

- Thiết bị y tế: ADA thừa nhận rằng các thiết bị thắt dạ dày đã không còn được ưa chuộng do hiệu quả lâu dài hạn chế và tỷ lệ biến chứng cao.

- Phẫu thuật chuyển hoá: ADA cho biết, phẫu thuật giảm cân có thể được xem xét đối với những người mắc bệnh đái tháo đường có chỉ số BMI lớn hơn 30, như một cách để quản lý cân nặng và lượng đường trong máu. Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng phải được thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm dày dặn trong việc quản lý bệnh béo phì, tiểu đường và phẫu thuật đường tiêu hóa.

"Những hướng dẫn của ADA tập trung vào việc giảm cân và quản lý cân nặng vì có thể cải thiện kết quả sức khỏe của những người mắc bệnh béo phì và đái tháo đường type 2. Bằng cách tập trung vào việc giảm cân, về cơ bản chúng tôi đang giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bệnh đái tháo đường type 2, thay vì cung cấp cho ai đó thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, thuốc điều trị huyết áp và thuốc bổ sung giảm cholesterol của người bệnh", TS. John Buse cho biết.

Nguồn: suckhoedoisong.vn



Bảng lương mới từ ngày 1/7/2024 có mức tiền thưởng thế nào?

SKĐS - Cơ cấu bảng lương mới từ ngày 1/7/2024 theo vị trí việc làm có xây dựng mức tiền thưởng cụ thể.

Những thông tin mới nhất về bảng lương mới từ ngày 1/7/2024 theo vị trí việc làm, trong đó có xây dựng mức tiền thưởng cụ thể được nhiều người lao động quan tâm.

Theo đó, vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết 104/2023/QH15 về Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2024.

Về thực hiện chính sách tiền lương, Quốc hội quyết nghị từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.

Bảng lương mới từ ngày 1/7/2024 có mức tiền thưởng thế nào?- Ảnh 1.

Bảng lương mới từ ngày 1/7/2024 theo vị trí việc làm có xây dựng mức tiền thưởng cụ thể (Ảnh minh hoạ).

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, cải cách tiền lương sẽ tạo ra các bảng lương theo vị trí việc làm từ 1/7/2024 như sau:

- 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo.

- 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

- 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm).

- 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an.

- 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).

5 bảng lương mới từ 1/7/2024 nói trên sẽ áp dụng đối với 9 đối tượng sau: Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo; Công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; Sĩ quan công an; Hạ sĩ quan nghiệp vụ công an; Chuyên môn kỹ thuật công an; Sĩ quan quân đội; Quân nhân chuyên nghiệp; Công nhân quốc phòng; Công nhân công an.

Thêm vào đó, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đã thống nhất xây dựng các bảng lương trên dựa trên cơ cấu mới được thiết kế gồm:

Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) + Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương) + Tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Như vậy, bảng lương mới khi cải cách tiền lương năm 2024 theo vị trí việc làm xây dựng khoản tiền thưởng là khoản bổ sung trong cơ cấu tiền lương mới, trên cơ sở bảo đảm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.

Nguồn: suckhoedoisong.vn



Trẻ bị ho uống kháng sinh gì, lạm dụng nguy hiểm ra sao?

SKĐS – Nhiều cha mẹ tự ý mua kháng sinh về trị ho cho trẻ vì tin tưởng thuốc này chữa bách bệnh. Tuy nhiên, tùy tiện dùng kháng sinh khi chưa rõ nguyên nhân có thể gây những hậu quả nguy hiểm.
1. Trẻ bị ho khi nào cần dùng kháng sinh?
Kháng sinh là thuốc được nhiều bậc cha mẹ lựa chọn dùng với mong muốn giảm các triệu chứng ho cho trẻ. Tuy nhiên, theo BS. Nguyễn Hữu Thảo (Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc), đây là điều không cần thiết.
Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể. Phản xạ ho có tác dụng giúp tống xuất các dị vật ra khỏi đường hô hấp. Do đó không nên cố gắng tìm mọi cách ức chế ho. Chỉ dùng thuốc giảm ho khi ho làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ, khiến trẻ khó chịu. 
Bên cạnh đó, hầu hết nguyên nhân gây ho ở trẻ là do virus, trong khi kháng sinh lại không giúp giảm ho, không trị được ho do virus. Kháng sinh chỉ có tác dụng khi trẻ bị nhiễm trùng hô hấp do vi khuẩn (viêm tai, viêm xoang, viêm phổi…). 
2. Một số thuốc kháng sinh thường dùng cho trẻ
Các trường hợp trẻ có thể cần dùng kháng sinh trị ho do nhiễm khuẩn: Viêm họng, viêm amidan cấp mủ, viêm phế quản, viêm phổi…
Các loại thuốc kháng sinh trị ho thường dùng:
- Amoxicillin (Penicillin): Được chỉ định dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới do liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn không tiết penicilinase và H. influenzae.
Kháng sinh amoxicillin được sử dụng khá phổ biến, tuy nhiên số lượng người dị ứng với nhóm thuốc này khá cao. Vì vậy không nên dùng amoxicillin nếu dị ứng với bất kỳ thuốc nào thuộc nhóm penicillin.
- Augmentin (Axit clavulanic + amoxicillin): Dùng trong các trường hợp ho do viêm họng. Không dùng cho người dị ứng với bất kỳ thuốc thuộc nhóm penicillin.
- Azithromycin: Được dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi), đường hô hấp trên (viêm xoang, viêm họng, viêm amidan). Đây là loại kháng sinh có tỷ lệ kháng thuốc cao tại Việt Nam, do đó, cần cần sử dụng đúng và đủ liều theo chỉ định của bác sĩ.
khang sinh 1 1697855312569423788501
3. Mối nguy khi lạm dụng kháng sinh
Việc lạm dụng kháng sinh, dùng kháng sinh không đúng bệnh có thể gây một số nguy cơ:
- Tăng tác dụng phụ của thuốc: Phát ban, phản ứng dị ứng, buồn nôn, tiêu chảy và đau dạ dày...
- Gây ngộ độc: Gan và thận ở trẻ em còn rất yếu, chưa hoàn thiện và còn thải trừ chậm, nên nếu sử dụng thuốc kháng sinh thường xuyên sẽ gây tình trạng tích tụ và ngộ độc.
- Nguy cơ kháng kháng sinh: Việc lạm dụng kháng sinh còn làm gia tăng tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, khiến cho bệnh nhiễm trùng không kiểm soát được mà dễ dàng lây rộng hơn.
4. Sử dụng thuốc kháng sinh trị ho an toàn
Để dùng kháng sinh trị ho an toàn, BS. Nguyễn Hữu Thảo khuyến cáo:
- Không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Tuyệt đối tuân thủ liều lượng, thời gian, cách dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định.
- Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.
- Không dùng đơn thuốc cũ, đơn thuốc của người lớn hoặc đơn thuốc của trẻ khác. Bởi mỗi cá thể có tình trạng bệnh và thể trạng khác nhau, phác đồ điều trị cũng khác nhau. Việc tùy tiện dùng thuốc bệnh  có thể không khỏi mà còn khiến trẻ mắc thêm bệnh, thậm chí nguy hiểm cho trẻ.
- Để thuốc xa tầm với của trẻ và bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát.
- Sau khi dùng thuốc từ 48-72 tiếng, nếu trẻ không giảm các triệu chứng hoặc các triệu chứng nghiêm trọng hơn, cần đưa trẻ đi khám.
- Khi trẻ dùng kháng sinh, nếu có bất kỳ triệu chứng khác lạ nào, nên trao đổi với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Thông thường triệu chứng ho ở trẻ có thể hết sau vài ngày. Tuy nhiên, nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị nếu trẻ có các biểu hiện: Thở nhanh, rút lõm ngực, tím tái, trẻ mệt, lừ đừ, ho ra máu, chóng mặt, da khô, không chảy nước mắt, tiểu giảm, sốt trên 3 ngày, ho kéo dài trên 14 ngày, trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ ho từng cơn dữ dội kèm đỏ mặt, có tiếng rít sau cơn ho, ho có kèm sổ mũi, khò khè…
 
Nguồn: suckhoedoisong.vn
 

 

Ngăn thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi với 5 lưu ý sau

SKĐS - Thoái hóa điểm vàng là bệnh về thị lực thường gặp ở nhóm người trung, cao niên. Tuy nhiên do tác động của nhiều yếu tố độc hại như bức xạ, hóa chất, chấn thương, thiếu dinh dưỡng… khiến bệnh ngày càng trẻ hóa.

Thoái hóa điểm vàng là một trong một trong những nguyên nhân phổ biến gây suy giảm thị lực người cao tuổi. Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến hoàng điểm, bộ phận của mắt giúp nhìn thấy rõ chi tiết hình ảnh.

Người mắc bệnh thường gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày có đòi hỏi thị lực trung tâm, chẳng hạn như đọc sách hoặc lái xe… Vì vậy việc ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng là vô cùng quan trọng.

Thoái hoá điểm vàng chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn.

Thoái hóa điểm vàng là nguyên nhân gây mù lòa ở nhóm người trung cao niên, từ 50 tuổi trở lên. Khi bị thoái hóa điểm vàng người bệnh sẽ mất thị lực trung tâm, không thể nhìn thấy các chi tiết nhỏ dù gần hay xa nhưng thị lực ngoại vi lại không hề hấn gì. Ví dụ, đang nhìn vào đồng hồ và thấy kim nhưng nếu người mắc thoái hóa điểm vàng thì chỉ nhìn thấy số của đồng hồ mà không thấy kim.

diem vang 169675228085942409279

Hay nói cách khác, thoái hóa điểm vàng là bệnh xảy ra khi điểm vàng, tức phần trung tâm của võng mạc bị tổn thương, mòn dần gây giảm chức năng phân tích chi tiết và độ sắc nét của hình ảnh.

Thoái hóa điểm vàng là bệnh về thị lực thường gặp ở nhóm người trung cao niên, tuy nhiên do tác động của nhiều yếu tố độc hại như bức xạ, hóa chất, chấn thương, thiếu dinh dưỡng… khiến bệnh ngày càng trẻ hóa. Chính vì thế khi thấy mắt có những dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay để được can thiệp chữa trị sớm giúp người bệnh không bị tổn thương thị lực quá nặng.

Thoái hóa điểm vàng được chia thành 2 loại

- Nếu ở thể khô (trên 80%) là do sự lắng đọng chất drusen làm tổn thương các mạch máu ở đáy mắt, khiến các tế bào sắc tố trong điểm vàng không nhận đủ dinh dưỡng và teo dần. Lúc này, người bệnh sẽ thấy có bóng đen ở giữa tầm nhìn và mất dần tầm nhìn trung tâm.

Hiện vẫn chưa có cách nào để điều trị thoái hóa điểm vàng thể khô. Trong khi đó, thoái hóa điểm vàng thể ướt diễn ra có sự sản sinh thêm các mạch máu nhỏ ở đáy mắt và chúng nứt vỡ làm tràn máu trong võng mạc. Thể này chiếm khoảng dưới 20% tổng số thoái hóa điểm vàng nhưng lại nguy hiểm hơn và rất dễ gây mù vĩnh viễn.

Dấu hiệu cảnh báo thoái hóa điểm vàng

Dấu hiệu cảnh báo thoái hóa điểm vàng gồm nhìn mờ, nhìn kém ở cả xa và gần, đặc biệt khi ánh sáng yếu. Không đọc được chữ nhỏ trên sách báo, khó xem tivi hoặc lái xe. Thấy trung tâm hình ảnh bị mờ hơn và tối dần đi, chỉ còn là vòng tròn đen. Màu sắc của các vật thể trở lên nhạt nhòa, thậm chí đường thẳng trở thành đường cong hoặc gợn sóng.

Hiện nay thoái hóa điểm vàng vẫn chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn nhưng can thiệp sớm sẽ giúp làm chậm tiến trình phát triển của bệnh và không bị tổn thương thị lực quá nặng.

Ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi

Ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi bằng cách:

1. Cần tránh xa thuốc lá và uống rượu

Hút thuốc lá và tiêu thụ nhiều rượu bia được xem là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc thoái hóa điểm vàng. Vì vậy, ở người cao tuổi, việc từ bỏ thói quen hút thuốc và uống rượu bia là điều rất quan trọng.

2. Bảo vệ mắt khỏi tác động của ánh nắng mặt trời

Nghiên cứu cho thấy, tia cực tím từ ánh nắng mặt trời làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng. Vì vậy, người cao tuổi nên đeo kính mắt chống tia UV, đeo kính râm hoặc đội nón rộng vành khi ra ngoài vào thời gian nắng gắt để bảo vệ mắt

3. Thường xuyên kiểm soát huyết áp & duy trì cân nặng phù hợp bằng cách tập luyện thể dục thể thao đều đặn và các bài tập phù hợp với lứa tuổi.

4. Kiểm tra định kỳ với bác sĩ mắt

Điều này giúp phát hiện sớm bất kỳ vấn đề mắt đang gặp phải, bao gồm bệnh thoái hóa điểm vàng để ngăn chặn sự suy giảm thị lực.

5. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp

Một chế độ ăn uống giàu các chất dinh dưỡng có lợi cho mắt có thể giúp ngăn ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng. Các chất dinh dưỡng quan trọng có lợi cho sức khỏe thị giác bao gồm omega-3, vitamin A, C và E, lutein, zeaxanthin… Các vi chất này có mặt hầu hết trong trong các loại rau xanh (bông cải, cái bó xôi…), các loại cá biển (cá hồi, cá chim…), rau củ màu đỏ cam như cà rốt, cà chua, quả gấc, trái cây họ cam quýt, các loại quả mọng…

Thoái hóa điểm vàng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, do đó, việc ngăn ngừa bệnh từ sớm từ thay đổi lối sống sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng và duy trì sức khỏe mắt tốt.

Nguồn: suckhoedoisong.vn